Việt Nam không tăng trưởng bằng mọi giá, luôn đặt con người là trung tâm

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh Việt Nam không tăng trưởng bằng mọi giá, luôn đặt con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu của phát triển.

 

 

Nhận lời mời của Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) Mathias Cormann và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, từ ngày 2-3/5, tại Paris (Pháp), Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng OECD.

Đây là hội nghị quan trọng nhất của OECD trong năm 2024 với sự tham gia của Bộ trưởng các nước thành viên OECD và một số nước khách mời.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự hội nghị với tư cách Đồng Chủ tịch Chương trình Đông Nam Á của OECD (SEARP) nhiệm kỳ 2022 - 2025.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu đề xuất OECD đi đầu trong thúc đẩy hợp tác toàn cầu. Ảnh: BNG

Hội nghị đã công bố Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2024. Theo đó, OECD nhận định kinh tế toàn cầu có dấu hiệu phục hồi tích cực song tăng trưởng ở mức khiêm tốn (duy trì mức 3,1% năm 2024, tương đương 2023 và tăng 3,2% năm 2025).

Kinh tế toàn cầu vẫn còn chịu nhiều rủi ro với tác động của các vấn đề địa chính trị (xung đột tại Ukraine, Trung Đông…), của chính sách tiền tệ thắt chặt ở các nền kinh tế lớn, rủi ro về tài chính và vấn đề nợ…

Các Bộ trưởng đã thảo luận những biện pháp nhằm kiến tạo một nền kinh tế, xã hội bền vững và bao trùm, thúc đẩy thương mại và đầu tư toàn cầu tự do, công bằng, củng cố nền tảng kinh tế vững chắc, tự cường, thúc đẩy chuyển đổi sang nền kinh tế ít phát thải, tuần hoàn và thuận lợi cho thiên nhiên, đẩy mạnh ứng dụng AI, phối hợp quản trị dữ liệu toàn cầu…

Thủ tướng Nhật Bản, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và các Bộ trưởng OECD chụp ảnh chung. Ảnh: BNG

Các nước OECD khẳng định coi trọng vai trò của khu vực Đông Nam Á và đóng góp của Chương trình SEARP trong việc đưa Đông Nam Á và OECD đến gần nhau hơn. 

Tại phiên toàn thể đầu tiên với chủ đề “Hướng đến một nền kinh tế và xã hội bao trùm và bền vững”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn chia sẻ định hướng và tư duy phát triển của Việt Nam. Việt Nam không tăng trưởng bằng mọi giá, luôn đặt con người là trung tâm, chủ thể và mục tiêu của phát triển.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề xuất OECD đi đầu trong thúc đẩy hợp tác toàn cầu.

Một là, xây dựng hệ sinh thái toàn cầu sáng tạo tận dụng tốt hai xu thế song song là chuyển đổi xanh và số, tập trung vào đổi mới sáng tạo, AI và chuyển đổi năng lượng công bằng.

Hai là, tạo dựng cơ chế chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng năng lực để giúp các nước phát huy tối đa tiềm năng con người, khơi thông động lực tăng trưởng và thúc đẩy thịnh vượng bao trùm.

Ba là, thúc đẩy các nước OECD hỗ trợ tài chính, kỹ thuật, công nghệ cho các nước ngoài OECD triển khai các đột phá chiến lược, đặc biệt về con người, hạ tầng và thể chế.

Chiều 2/5, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tiếp Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã chuyển lời và thư của Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn OECD đã mời Việt Nam tham dự hội nghị cũng như đã ủng hộ, hỗ trợ Việt Nam trong vai trò Đồng Chủ trì Chương trình Đông Nam Á (SEARP) nhiệm kỳ 2022 - 2025.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn gặp Tổng thư ký OECD Mathias Cormann. Ảnh: BNG

Bộ trưởng đề nghị OECD phối hợp cùng Việt Nam tập trung triển khai hai trọng tâm hợp tác quan trọng. Trong đó, hỗ trợ thực hiện 15 dự án trong Kế hoạch hành động Việt Nam - OECD giai đoạn 2022 - 2026.

Bộ trưởng cũng đề nghị OECD tạo điều kiện để Việt Nam tham gia sâu hơn vào các Ban chuyên môn của OECD, giúp Việt Nam hiểu rõ hơn và đóng góp vào quá trình xây dựng chính sách quản trị toàn cầu, đặc biệt trong tài chính, thuế, kinh tế, phát triển, chính sách số, đầu tư, khoa học công nghệ….

Tổng Thư ký Mathias Cormann bày tỏ ấn tượng về các cuộc thảo luận chính sách với Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ông coi trọng quan hệ Việt Nam – OECD, cam kết sẵn sàng phối hợp, chủ động cùng Việt Nam lựa chọn các ban chuyên môn để hỗ trợ Việt Nam nắm bắt và vận dụng xu hướng, tiêu chuẩn toàn cầu cho quá trình hoạch định chính sách phát triển phù hợp.

Trong cuộc gặp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cảm ơn Chính phủ Lào đã cử Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Lào dự lễ Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Việt Nam tiếp tục ủng hộ và hỗ trợ Lào đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2024; đề nghị Lào phối hợp trong thúc đẩy quan hệ OECD - ASEAN và Chương trình Đông Nam Á (SEARP) của OECD. 

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Saleumxay Kommasith đề nghị Việt Nam tham gia và đóng góp tích cực cho Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) sắp tới tại Lào. Hai bên tăng cường phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại diễn đàn quốc tế, khu vực và tiểu vùng, cùng các quốc gia thành viên giữ vững đoàn kết, vượt qua thách thức và củng cố vai trò trung tâm của ASEAN.

Gặp Bộ trưởng Ngoại giao và Các vấn đề châu Âu Croatia Gordan Grlic Radman, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống với các nước trong khu vực Ban-căng, trong đó Croatia.

Bộ trưởng Ngoại giao Croatia Gordan Grlic Radman ủng hộ đẩy mạnh quan hệ hai nước, trong đó có hợp tác liên Nghị viện; nhất trí với đề nghị của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn về việc hai bên thúc đẩy thành lập Ủy ban liên Chính phủ giữa hai nước về hợp tác kinh tế...

Hai Bộ trưởng nhất trí cùng phối hợp tổ chức các sự kiện chào mừng 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2024.

Trần Thường

Nguồn: VNN